Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Nhân sự chứng khoán chạy vòng quanh - Human Resources Management

Nhân sự chứng khoán chạy vòng quanh

(ĐTCK) Tại buổi roadshow của một doanh nghiệp lớn gần đây tại Hà Nội, giới phân tích các CTCK có mặt khá đông đủ, tay bắt mặt mừng. Nhiều người mới trở lại với nghề sau một hồi loanh quanh với những ngành nghề khác nhắn nhủ với nhau rằng “nghề chọn người”.

Không chỉ chạy sang các ngành nghề khác, nhân sự chứng khoán cũng có sự dịch chuyển liên tục giữa các công ty trong ngành. Và cũng chẳng riêng giới phân tích mới chạy vòng quanh giữa các công ty, mà ngay cả nhân sự trung cao cấp của CTCK này bẵng đi một dạo đã thấy xuất hiện ở CTCK khác.

Chẳng hạn, CEO Chứng khoán Maritimes Bank (MSBS) Mạc Quang Huy trước đây từng là Phó tổng giám đốc CTCK Thăng Long (nay là Chứng khoán MB); Chủ tịch HĐQT MSBS Lê Đình Ngọc từng có thời đảm nhiệm vị trí CEO Chứng khoán Thăng Long. Hay CEO CTCK Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHBS) Nguyễn Thế Minh từng là CEO Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), rồi CEO MSBS. Phó tổng giám đốc phụ trách môi giới SHS Nguyễn Chí Thành trước đây từng là Phó tổng giám đốc Chứng khoán Đại Dương. Cựu CEO IRS Trần Hữu Chung từng đầu quân cho CTCK SHS, giờ lại chuyển về MBS. Chủ tịch HĐQT CTCK IB Ngô Phương Chí đã có nhiều năm làm việc cho CTCK Bảo Việt, còn Tổng giám đốc CTCK này, bà Cao Thị Hồng cũng từng là Phó tổng giám đốc CTCK Quốc tế…

Cùng làm việc trong lĩnh vực tài chính, nhưng nhân sự khối chứng khoán lại có nhiều điểm khác với dân ngân hàng. Đó là sự linh hoạt, dấu ấn cá nhân lớn hơn so với sự chừng mực, lạnh lùng và nguyên tắc của nhân sự ở các nhà băng. Điều này cũng xuất phát từ nguyên nhân CTCK có quy mô nhỏ hơn, phạm vi hoạt động hẹp hơn và phải thích ứng với sự biến động rất nhanh của thị trường. Dẫu vậy, sự liên thông giữa hai ngành này là rất lớn.

Cựu CEO CTCK An Bình Nguyễn Hồng Quân giờ đang đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc TPBank, cựu CEO CTCK Quốc tế Phạm Linh giờ đang giữ chức Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông… và ngược lại. Song, không phải sự dịch chuyển nào cũng suôn sẻ.

Trường hợp cựu CEO một CTCK từng là Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng Sacombank là một ví dụ. Từng được đánh giá là nhân sự giỏi của ngân hàng, được cất nhắc khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng khi bước sang lĩnh vực chứng khoán, vị CEO này không bước qua được sự khắc nghiệt của thương trường. CTCK cho vay quá lớn, khi thị trường suy giảm, khách hàng mất khả năng trả nợ. Cổ đông lớn trong Công ty quay lưng, mời cơ quan điều tra vào cuộc, vị CEO này đã phải mang toàn bộ sản nghiệp ra để đền bù thiệt hại cho Công ty, tránh vòng lao lý.

Nghề chứng khoán có quá nhiều áp lực, nhất là trong giai đoạn thị trường chứng khoán trầm lắng, khó khăn. Dân phân tích ít rời khỏi văn phòng trước 6 giờ chiều, lắm hôm phải trao đổi, trình bày nhận định phiên giao dịch với nhà đầu tư tới tận 8-9 giờ tối.

Không chỉ trao đổi với nhà đầu tư trong nước, chuyên viên phân tích còn phải trau dồi về ngoại ngữ để có thể trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài. CTCK nào rủng rỉnh, có nhiều nhà đầu tư ngoại thuê thì hẳn nhân sự nước ngoài, còn CTCK eo hẹp hơn phải tuyển chuyên viên phân tích có trình độ khá, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh.

Với nhân sự cấp cao thì áp lực lại càng lớn hơn, nhất là trong việc cân đong giữa lợi nhuận và đạo đức kinh doanh. Phó tổng giám đốc một CTCK lớn từng than thở: “Anh sẽ bỏ nghề chứng khoán vì cảm thấy nghề này rất bạc. Nhiều lúc trong đầu anh cứ quay cuồng với câu hỏi: Có nên tư vấn cho khách hàng mua chứng khoán nữa hay không?”. Có lẽ, trong số những khách hàng của công ty thua lỗ, có những người anh đã tư vấn cho họ mua - bán chứng khoán và thất bại của họ khiến anh day dứt.

Thị trường chứng khoán ngày càng thanh lọc và chuyên nghiệp, khối CTCK đang được tái cấu trúc một cách mạnh mẽ, nhiều CTCK yếu kém đã biến mất khỏi thị trường, nhiều CTCK tạm ngừng hoạt động hoặc hầu như không hoạt động, song áp lực cạnh tranh không vì thế mà giảm bớt, ngược lại, ngày một quyết liệt hơn.

Đã có những cuộc đua ngầm trên thị trường, bảng xếp hạng Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên 2 sàn được công bố hàng quý cho thấy nhiều cái tên mới xuất hiện, đồng nghĩa với nhiều cái tên cũ phải ra đi. Dù muốn thừa nhận hay không, thì đó cũng là một trong những hàn thử biểu mà bất kỳ một CEO CTCK nào cũng phải nhìn tới. Vì thế, những biến động về nhân sự ngành chứng khoán sẽ vẫn còn lớn.

Minh Giang

World Bank lại gây sốc với thông tin cắt giảm 500 nhân sự

(TBTCO) - Ngân hàng thế giới lại tiếp tục gây sốc đối với các nhân viên của mình khi tuyên bố sẽ cắt giảm 500 nhân sự trong vòng 3 năm tới, nằm trong chương trình tái cấu trúc nội bộ.





Hành động vừa cắt giảm ngân sách vừa cắt giảm nhân sự của World Bank đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhân viên. Những người làm công ăn lương tại đây cũng lo ngại nếu việc này cứ tiếp diễn, sẽ có một cuộc biểu tình lớn xảy ra trong khi World Bank đang phải đối phó với các vấn đề lớn của thế giới.

Lần cắt giảm này chiếm đến 11% nhân lực của World Bank tại các bộ phận tài chính, quản trị nhân sự, nghiên cứu và an ninh thuộc hội sở. Đồng thời, ngân hàng cũng hoãn tuyển mới 70 vị trí.

Trong khi đó, World Bank muốn tuyển thêm 250 đến 300 người cho văn phòng tại các nước, chủ yếu là Ấn Độ. World Bank cho biết số 500 người bị mất việc tại trụ sở chính có thể đăng ký làm việc tại văn phòng của ngân hàng tại các quốc gia đang phát triển.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim bày tỏ: “Các quyết định liên quan đến nhân sự luôn luôn khó khăn, nhưng tôi tin những việc chúng tôi đang làm là để sắp xếp nhân sự một cách tốt hơn, phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng”.

Việc tái cơ cấu đã khiến ngân sách sụt giảm 400 triệu USD, nhưng với một mục đích là để Ngân hàng Thế giới trở nên cạnh tranh hơn, thúc đẩy cho vay mạnh hơn cho các nước thu nhập trung bình.

Nhưng các nhân viên thì phàn nàn rằng World Bank quá chú ý vào việc cắt giảm tiểu tiết như tiền ăn sáng hay phí đỗ xe. Đáng lẽ ngân hàng phải tập trung cải thiện chất lượng và hiệu quả cho vay của mình./.

Ngọc Nguyễn (Theo Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét